Ngôi trường không có cổng

Những tháng ngày trong trẻo nhất trong cuộc đời tôi gắn liền với hình ảnh của một ngôi trường không có cổng. Trường làn
g, màu nâu tường cũ xưa như câu chuyện cổ tích của bà.

Tôi tự hào về tất cả những gì liên quan đến nó, kể cả phần ký ức tuổi thơ qua bao thăng trầm của cuộc sống, may mắn tôi còn kịp giữ.
Hai cây me tây già lụ khụ vẫn tươi vui rì rào chào bọn trẻ chúng tôi mỗi sáng. Nắng vàng xuyên lá, lách tách vỡ, hòa cùng tiếng bắn bi, nhảy dây, đá cầu hay rượt bắt trên sân. Người bán hàng trước cổng trường thường dụ khị chúng tôi bằng xi rô đá bào, hột é, cà rem... Vị của tuổi thơ tôi nếm sao mà ngon đến lạ.
Tiếng kẻng quen thuộc gọi chúng tôi vào lớp. Cô giáo không mặc trang phục áo dài (mùa nước nổi, mặc thế thì thương cô lắm). Chúng tôi cũng không đồng phục. Đứa nào có đồ mới thì mặc, không thì lấy cái lành lặn. Quê nghèo, được đi học đã quý rồi. Nhưng lớp tôi thì khá tinh tươm, coi bộ đứa nào cũng sáng láng.
Tôi đi học với chiếc cặp màu tím bầm. Tuy nó hơi cũ một chút và có lần bị rách ở đáy nhưng mẹ đã khâu lại cho tôi bằng chỉ trắng. Chiếc cặp quá nhỏ cho tấm bảng gỗ (do cha trổ tài thợ mộc). Thế là tôi vừa đeo cặp, vừa ôm bảng đến trường. Tôi quen với hình ảnh những dãy lớp màu vôi hóa thành màu đất.
Những cây dừa bên hông trường dang tay che mát và nuôi dưỡng tuổi thơ của bọn trẻ theo tháng ngày. Tôi nhớ có khi cô giáo vừa giảng, vừa hất mớ tóc ướt mưa ra sau. Đó là những lúc ông trời làm bộ khó tính, lớp thì dột đủ nơi. Khi đó, chúng tôi lùa về góc khô ráo.
Om sòm một hồi rồi chắc vì tội nghiệp cô cũng đang tránh chỗ dột trên bục giảng nên khá chăm chú nắn nót chữ, lắng tai nghe. Bọn chim sẻ cũng nhanh nhẩu ghé sang hóng chuyện, có lẽ chúng muốn vào núp mưa.
Trường tôi không có cổng và cũng không có ông bảo vệ. Thỉnh thoảng, vài con bò lạc vào sân, thầy hiệu trưởng phải dắt chúng ra. Cái cảnh ấy tôi không cho là ngộ (kì lạ). Hồi đó, tôi chỉ thấy ngộ khi có người đi ngang qua trường, lúc đang chào cờ, họ vội vã cởi nón lá, phủi phủi cái áo bà ba đứng nghiêm như bọn học trò.
Mấy cô chú đang chạy xe đạp bỗng dừng hẳn, thả xe xuống đường, đứng nghiêm luôn. Trong đầu tôi chỉ nghĩ, người lớn và trẻ nhỏ cũng phải chào cờ đàng hoàng. Kể từ đó tôi hát Quốc ca cũng to rõ hơn, làm như có người lớn nào ở ngoài cổng trường nhìn vào vậy.
Tôi cũng nhớ sau lưng trường là một con sông. Có những trái bần tròn đong đưa theo gió. Các thầy xẻ gỗ làm một cái hàng rào tránh tụi học trò tinh nghịch tranh thủ tập bơi sau khi học. Thỉnh thoảng, vào dịp hè, tôi loanh quanh thấy các thầy quăng chài, đóng đáy trên sông.
 Mấy phụ huynh tình nguyện dọn bụi ô rô lấp xấp mé sông hay sắp lá dừa nước phủ lên mái ngói. Rồi tôi cũng kịp ngó một cô lúi húi vừa bồng nách con, vừa quét tước khuôn viên trường học để chuẩn bị cho khai giảng. Tôi đã không dám chạy đến đỡ lấy cây chổi, chỉ ba chân bốn cẳng biến đi trước khi cô ngẩng mặt lên nhìn.
 Trường tôi đó, một ngôi trường không có cổng. Có sao đâu khi trong mắt chúng tôi, ngôi trường sao mà thân thương quá đỗi. Dù ngôi trường không có cổng nhưng đã mở ra cho tôi bao ước mơ, khát vọng. Và nó đã xây cho tôi cùng bạn bè trang lứa một tòa lâu đài tuổi thơ - một thời đẹp nhất.
Có lúc cuộc sống trả về nhiều lo toan, trăn trở, tôi lại để nỗi nhớ trở về tự do trong tiếng ghe máy đuôi tôm lướt qua toành toạch, tiếng gọi đò lanh lảnh bên kia sông, tiếng sóng óc ách vỗ bờ mỗi khi tàu lớn đi qua và cả tiếng của thời gian vọng về trong lời ê a đọc thơ của bạn bè năm cũ.
Nỗi nhớ tràn qua tay, một miền hồn nhiên ấm áp gói trong trang vở học trò. Thầy cô giản dị, chân phương như quê nhà tôi đó. Bụi tha phương có lúc ngoái nhìn. Mái trường làng giờ đã có cổng. Rồi cũng có đôi lần ghé nhìn qua song cửa, chân giẫm lên lớp lá me tây, tôi bỗng thấy tuổi thơ về trong mắt lá lao xao.

Bài Viết Liên Quan

Phản Hồi Độc Giả


Biểu Tượng Cảm XúcBiểu Tượng Cảm Xúc