Nơi cất giữ một phần trái tim tôi

Thời gian trôi, đỏng đảnh mà chóng vánh đến không ngờ, nhẩm lại mới thấy đã hết 12 mùa phượng rơi, 12 năm bằng lăng tím ngát cả khoảng sân trường.
Tôi đã từng ước ao viết cho riêng bản thân mình bản giao mùa mang tên tháng năm học trò. Đã từng rất chán ghét những bài thi, từng gục đầu mỏi mệt với những trang sách ngổn ngang trên chiếc bàn học già nua cùng năm tháng…
Vậy mà giờ đây, khi bất chợt nghe tiếng ve sầu kêu thanh thoát, ẩn mình trong sắc đỏ màu biệt ly của cành phượng vĩ tôi mới giật mình nhớ tiếc thời gian !
Thời gian trôi, đỏng đảnh mà chóng vánh đến không ngờ, nhẩm lại mới thấy đã hết 12 mùa phượng rơi, 12 năm bằng lăng tím ngát cả khoảng sân trường.
Ngày bé từng mong được đi học, đi học lại mong chóng được ướm màu áo trắng tinh khôi vào người. Rồi khi thỏa mãn với tà áo dài duyên dáng lại hướng đến ước mơ làm loài chim di trú để được bay cao, bay xa đến những chân trời mới- đó là giảng đường đại học.
Cùng một chút dửng dưng trong suy nghĩ của một cô học trò mới lớn, tôi đã mong bánh xe thời gian lăn vùn vụt. Để bây giờ, dẫu có tiếc nuối, van lơn cũng chẳng thay đổi được gì. Bao buồn- vui, giận- hờn, được- mất, hơn- thua cứ lặng lẽ trôi nhưng còn kí ức thì vẫn hoài in nỗi niềm của tháng ngày đã cũ…
Nghĩ về thời học sinh, chợt thảng thốt nhận ra có biết bao yêu thương không thể diễn tả hết bằng lời. Hễ đặt đầu vào mông lung nghĩ đến là tháng năm cứ chực trào theo cùng nổi nhớ.
Tháng năm...
Đó là những ngày đầu chập chững bước vào cánh cửa trường tiểu học Nguyễn Phan Vinh với bao bỡ ngỡ. Nấp đằng sau cánh áo của ba mà mắt tôi rớm nước vì sợ!
Nhưng cũng thật nhẹ nhàng mà sâu lắng, cô giáo đã đến bên tôi vỗ về, ôm ấp. Cô như người mẹ hiền chỉ dạy từng nét chữ thân thương. Cô cầm tay tôi “uốn mềm” các nét chữ nghệch ngoạc, cô dạy tôi biết ca hát rồi còn dạy cả cụm từ “tôn sư trọng đạo” khi tôi hoàn thành xong chương trình lớp 1.
Tự bao giờ trong sâu thẳm, tôi đã dành một phần tấm lòng mình giữ tên cô giáo Nguyễn Thị Minh.
Tháng năm...
Còn nhớ không những lần lên lớp mới, được thi cuối cấp rồi chuyển trường với bao lưu luyến, bịn rịn. Mỗi trường, mỗi lớp dù xa rồi nhưng vẫn vẹn nguyên rõ trong cuốn sách kì diệu tuổi thơ tôi. Nhớ nhất là ngày được lên cấp 3, được làm thiếu nữ xuân thì bên tà áo dài trắng…
Tháng năm...
Nhớ mãi lần cuối cả lớp hát vang bài ca “mùa hè yêu thương”. Cái khoảnh khắc của tuổi học trò mà ngỡ như sẽ chẳng bao giờ xóa nhòa trong kí ức. Tụi con gái thì nước mắt ước bờ mi, đám con trai ngồi nhìn nhau chẳng nói được gì.
Bởi có lẽ ai cũng ý thức được đã không còn nữa những ngày cùng ăn đậu luộc, xoài chua, không còn những lần “chia bàn xẻ ghế” như câu thơ mà một người vô danh nào đó để lại trên mặt bàn lớp học:
Phấn đấy em gạch lên bàn
Không cho bên ấy trộm sang bên này.
Tháng năm...
Đâu còn những giờ ra chơi đi dọc hành lang, thơ thẩn bên ô cửa kính hít hà hơi thở rồi viết tên, sau cùng đón lấy làn gió mùa hè mát dịu?
Vô tình hay cố ý không biết. Chỉ bâng quơ một chút khi hoài niệm về tháng năm, tôi mới hiểu mình đã đánh rơi quá nhiều điều. Trong sự háo hức về một tương lai mới, tôi đã dửng dưng khi bắt gặp cảnh một người thầy đứng sau phía cuối hành lang với những đốm khói thuốc lập lòe, thầy nhã khói, những làn khói bay cao dần rồi trôi theo lần gió.
Tôi cũng chả kịp nhận ra thầy đang trăn trở, lo lắng về tụi học trò với mùa thi sắp tới trong cơn gió xôn xao, chẳng mấy ngọt ngào.
Ngược về những vùng trời kỷ niệm, tôi hồ như không sao hiểu nỗi phượng đã cất giữ bao nhiêu câu chuyện riêng tư của mình. Có lẽ phượng đã can dự quá sâu sắc vào trái tim dễ vỡ tuổi học trò nên phút chia tay, cả phượng- tôi và người ấy, mắt đều đỏ hoe.
Còn bằng lăng, hình ảnh màu tím của nó vẫn hiện hữu trong mấy trang thơ viết vội. Cuốn lưu bút ngày chia tay thấp thoáng những chú bướm ép khô mang hình nỗi nhớ, vừa lúc biết thương màu khuynh diệp xanh lá sân trường, biết nao nao khi những cơn mưa rào chợt đến rồi cũng chợt đi…
Bây giờ tôi đã xa tuổi học trò, trở thành “người lớn” với những bộn bề, lo toan về ngày mai, với bao ngã rẻ, bao sự lựa chọn mà tôi không ngờ có một ngày mình phải quyết.
Rồi đây, tôi biết mình sẽ phải đi trên những chặng đường khá nhiều chông gai cùng bầu nhiệt huyết tuổi trẻ. Nhưng vẫn mãi tin rằng, tôi sẽ không bao giờ mệt mỏi bởi kí ức đã chất chứa cả vùng trời kỷ niệm học trò- nơi mà một thời Trịnh Công Sơn đã vẽ nên bằng lời nhạc trong bài ca “Hạ trắng”. Nhạc sĩ đã tô điểm, đặt nó vào một phần đời của trái tim tôi…

Bài Viết Liên Quan

Phản Hồi Độc Giả


Biểu Tượng Cảm XúcBiểu Tượng Cảm Xúc