Một cú nhảy lầu, một tính mạng của một nam học sinh đã đủ mạnh để có một sự thức tỉnh từ chính phụ huynh và nhà trương hay cần bao nhiêu cú nhảy nữa mới có một sự đổi thay trong tư duy?
Vụ việc một nam học sinh lớp 10 – trường THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TP HCM) nhảy lầu tự tử do áp lực học tập khi không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình đang khiến không chỉ gia đình, nhà trường em học sinh này trải qua nỗi đau mà khiến tất cả các bậc phụ huynh trên cả nước bàng hoàng.
Một em học sinh luôn đạt kết quả học tập khá cao, trong học kỳ vừa qua điểm trung bình đạt 8.9/10 đã phải nhảy lầu quyên sinh. Một vụ việc đáng báo động, là hồi chuông cảnh báo đến các bậc phụ huynh khi nguyên nhân dẫn đến việc em học sinh nhảy lầu xuất phát từ áp lực trong việc học và từ gia đình muốn có điểm số tốt hơn để đạt điểm giỏi.
“Con xin lỗi ba má. Con đã không đáp ứng được mong mỏi của ba má. Con xin lỗi" – nhưng câu chữ trong lá thư tuyệt mệnh của nam học sinhnhảy lầu để lại cho gia đình trước khi quyết định hành động dại dột khiến nhiều người thảng thốt nhìn nhận lại những áp lực mà họ vô tình dồn ép của con cái mình.
Trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến. Ảnh: ANTĐ.
Hành động của nam học sinh thể hiện sự dại dột, bồng bột đúng như trong lứa tuổi mà tâm sinh lý dễ bị tổn thương, dễ bị sang chấn và khủng hoảng về tâm lý, không đủ sức lực, suy nghĩ chín chắn để vượt qua những áp lực.
Rõ ràng nam học sinh này không tìm được nơi để sẻ chia, tâm sự để tìm một hướng giải quyết tốt hơn, không có sự động viên, khuyên bảo từ những người thân trong gia đình dẫn đến nam học sinh như đang trong một ngõ cụt tối tăm nhất của cuộc đời.
Tiếc rằng, trong mê cung hỗn độn những suy nghĩ tuyệt vọng giằng xé ấy của tuổi mới lớn, không có một bàn tay dắt em ra ánh sáng để phấn đấu tiếp trong tương lai.
Trong suy nghĩ thơ ngây của nam học sinh, có lẽ nhảy lầu là một hành động có thể giúp em giải thoát những áp lực luôn đè nặng trong tâm trí. Nhưng đó là suy nghĩ quá sai lầm và em đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình, đẩy sự đau đớn, dằn vặt đến cha mẹ, nhà trường.
Trong xã hội hiện nay, học tập vẫn luôn nhận được sự quan tâm của gia đình, xã hội, nhà trường. Bố mẹ luôn hướng con cái một con đường duy nhất là phải học tập thật tốt để có một tương lai tốt.
Kỳ vọng vào con cái rõ ràng là nguyện vọng chính đáng của cha mẹ để con cái họ tốt hơn khi có động lực để nỗ lực trong học tập. Nhưng cùng với sự kỳ vọng, gia đình nên có những sự quan tâm con về tâm sinh lý, sức khỏe, tình cảm, suy nghĩ của con chứ không phải chỉ vì thành tích học tập cao mới tôn sùng con như một “thần đồng”.
Những “tấm vòng nguyệt quế” con cái đạt được trong học tập, phát triển trong tương lai là kết quả của một sự phát triển đồng đều giữa trí tuệ, năng lực, sự cố gắng và những phương án giáo dục phù hợp từ gia đình và nhà trường. Chứ không phải ép buộc các em phải nỗ lực vượt khả năng để đạt được “vòng nguyệt quế”. Bởi khi các em không thể vượt qua được thường có những hành động mà người lớn không thể ngờ đến và luôn để lại những hậu quả đau lòng.
Áp lực của các em học sinh không chỉ đến từ phía phụ huynh mà có thể nhà trường, giáo viên cũng vô tình tạo ra khi căn bệnh thành tích vẫn hiển hiện đâu đó trong ngành giáo dục. Nhiều trường vì áp lực thành tích đã dồn trách nhiệm học tập quá nặng nề, vượt khả năng thực tế lên các em học sinh.
Một cú nhảy lầu, một tính mạng của một em học sinh đã đủ mạnh để có một sự thức tỉnh từ chính phụ huynh và nhà trương hay cần bao nhiêu cú nhảy nữa mới khiến một sự đổi thay trong tư duy và suy nghĩ của họ khi cố gắng định hướng cho con trong học tập và cuộc sống?
Nguồn https://baomoi.com/
Biểu Tượng Cảm XúcBiểu Tượng Cảm Xúc