- Trường nội trú Nguyễn Khuyến ở TP.HCM có khẩu hiệu: “Đường vào đại học, cao đẳng thẳng tắp”. Để đi thẳng trên con đường này, học sinh phải trải qua những “vòng tròn khép kín”.
Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến cơ sở phường 13, quận Tân Bình (nơi em C. thiệt mạng)
Trước khi tới Trường Nguyễn Khuyến, hai con nhà chị Mai, một nhà báo ở TP.HCM, từng học trường công lập trong thành phố. Trải qua 2 tháng ôn tập và 1 bài “sát hạch”, con chị được vào trường, dù lực học vẫn thấp hơn so với học sinh khác.
Chị Mai vẫn nhớ thầy chủ nhiệm từng phải “ôm” con mình ra để hướng dẫn riêng. Khi học sinh khác được nghỉ học để chơi 1 tiếng hay 1 tiếng rưỡi thì con chị chỉ được chơi 30 phút.
“Lên trường thăm con, nhìn vậy tôi rất xót. Tôi cũng đề nghị gửi thêm thầy phí hàng tháng. Thầy không nhận, còn nói rằng: “Ở đây, lương chúng tôi đủ sống. Chúng tôi không cần gì ngoài học sinh chú tâm học hành”.
Chị Mai thừa nhận, đúng là Trường Nguyễn Khuyến có những quy định riêng yêu cầu học sinh phải tuân thủ như lịch sinh hoạt, ăn, học, ngủ sít sao. Tuy nhiên, trường cũng quan tâm học sinh từ ăn uống tới ngủ, nghỉ. Nhiều em ngoại tỉnh vì đam mê học hành 2-3h sáng đã lén dậy học bài sẽ bị phạt.
Ngoài ra, trường cũng phân loại học sinh theo trình độ tiếp thu để xếp lớp. Lý do là sắp xếp sức học đồng đều để giáo viên giảng bài có chất lượng. Cụ thể như khi giải một đề thi thì học sinh có trình độ giải như nhau. Đây cũng là cơ sở để hướng nghiệp, chọn trường và chọn ngành cho học sinh. Nhà trường sẽ tư vấn thế mạnh của học sinh, mức điểm có thể đạt được như thế nào để chọn trường đại học. Lớp con chị đã đỗ đại học 100%.
Chị Mai cho rằng nhiều phụ huynh ban đầu khó chịu với việc nhà trường duy trì một số nội quy riêng như bắt học sinh “không yêu đương, không điện thoại di động, không Internet”. Nhưng khi đã cho con theo học thì đồng thuận. Không sử dụng điện thoại, internet không có nghĩa là tách biệt mà chỉ hạn chế các em chơi điện tử. Hiện nay, nhiều người ở cơ quan chị vẫn “xếp hàng” xin vào Trường Nguyễn Khuyến.
Trong khi đó, chia sẻ trên báo Giáo dục Việt Nam, chị Tú Anh, có con từng học ở trường vẫn đánh giá cao tính kỷ luật tại đây. Nhưng có một sự việc khiến chị đã phải quyết chuyển trường cho con cách đây 3 năm.
Khi đó, do đặt vé máy bay khó khăn, chị phải đặt trước từ lúc trường chưa có lịch nghỉ Tết Âm lịch để con về quê ở Hà Nội. Đến khi trường có lịch nghỉ, thì lịch trình nhà chị vào lại TP.HCM chậm mất 1 ngày. Chị đã xin phép cho con được nghỉ. Đến khi vào học lại, nhà trường vẫn xử phạt cháu, đề nghị chuyển sang lớp khác. Chị không đồng ý vì cháu học ở lớp đã quen với các bạn, chuyển sang một lớp mới sẽ chậm thích nghi. Con chuyển sang trường khác, nhờ có nền tảng tốt từ những năm học trước đó, nên các kết quả học tập sau này và vào đại học ở Thuỵ Sỹ đều tốt.
Trên báo Tuổi Trẻ cũng thuật lại câu chuyện của một số phụ huynh “có điều kiện” ở Quảng Ngãi. Các phụ huynh này chọn trường nội trú như giải pháp cuối cùng khi những đứa con mình mê game và bị bạn bè lôi kéo. Có cháu vào trường vẫn lầm lì, không tiến bộ; có cháu ra trường bố mẹ vẫn phải tiếp tục tìm môi trường mới để “tiếp tục rèn con”.
“Tự thú” của học sinh
Trên trang Nguyen Khuyen Confession (trang tự thú), một cựu học sinh đã kể lại cuộc sống khi học trong trường. Em ví những tháng ngày ở trường này là một vòng tròn khép kín ăn và học:“5h sáng, có người gọi tôi dậy tập thể dục và ăn sáng. 6h15 phút chúng tôi phải có mặt trên lớp. 11h30 ăn cơm, 13h30 lại tiếp tục học, 18h15 lên lớp học thêm. Chúng tôi sẽ được về phòng lúc 22h (nếu học nội trú) nhưng vẫn còn một núi bài tập đang chờ. Mọi thứ chính xác đến từng phút. Mọi hoạt động đều có người giám sát gần như 24/7. Vì môi trường giáo dục khép kín, Trường Nguyễn Khuyến cấm yêu, sử dụng điện thoại, đánh nhau và hút thuốc. Bạn tôi thời đó lén đem điện thoại vào sử dụng, bị bắt và bị kỷ luật. Đầu mối liên hệ với bên ngoài của chúng tôi là chiếc điện thoại của quản nhiệm. Bạn có thể gọi điện vào những lúc mình rảnh nhưng liệu có mấy lúc bạn thật sự rảnh rỗi trong ngày. Ba năm cấp 3, dù ở chung phòng nội trú, tôi và bạn bè vẫn không hiểu được nhau. Đơn giản vì ít thời gian trò chuyện, tâm sự. Áp lực, căng thẳng rất nhiều, nhưng tôi lựa chọn không kể lại với gia đình. Bạn bè tôi cũng không kể với ba mẹ, đơn giản vì có thể họ sẽ không quan tâm”.
Còn Nguyễn Minh Dũng, một cựu học sinh Trường Nguyễn Khuyến cơ sở ở Thủ Dầu Một, Bình Dương hiện là sinh viên một trường ĐH ở TP.HCM thừa nhận trường có những "kỷ luật “sắt" mà học sinh phải tuân theo khiến học sinh rất áp lực".
“Chúng em thường đùa nhau đây là “lò rèn”. Nhà trường có rất nhiều nội quy bắt học sinh phải tuân thủ. Không chỉ học ở trên lớp mà về nội trú cũng phải học. Đã có lúc em muốn bỏ dở".
Theo Dũng, Trường Nguyễn Khuyến có phương châm rất độc đáo là “vào trường là phải tiến bộ” nhằm tiếp nối những trang vàng truyền thống: “Nên người, học giỏi, tốt nghiệp 100%” – “Đường vào đại học, cao đẳng thẳng tắp”. Vì vậy áp lực học tập là vô cùng lớn.
Nam sinh này nói vui “Trường Nguyễn Khuyến đã lấy đi của chúng em những năm tháng được vui chơi, nhưng đổi lại cũng “bồi” cho chúng em kiến thức”.
Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến thành lập năm 1992. Hiện có 5 cơ sở trong đó có 4 cơ sở ở TP.HCM và 1 cơ sở ở Bình Dương.
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 10 năm gần đây 100%. Tỉ Tỷ lệ học sinh thi đậu ĐH và CĐ năm học 2010-2011 là 94,48%; năm học 2011-2012 là 97,7%.
Tính đến 2015, trường có 162 học sinh là Thủ khoa, Á khoa của các trường đại học, trong đó, số lượng học sinh đạt thủ khoa là 103, còn 59 em đạt được á khoa.
Năm 2017, lớp 12D2 của trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM khi có 1 em đạt 30 điểm, 2 em đạt 29,75 điểm, 1 em đạt 29,55 và 1 em đạt 29,1 điểm. Ngoài ra, lớp này còn có 20 em trên 27 điểm, 44 em trên 25 điểm trong tổng số 50 học sinh. Tất cả đều khối B.
|
Biểu Tượng Cảm XúcBiểu Tượng Cảm Xúc